
Đầu tư phát triển KCN - lĩnh vực xương sống của doanh nghiệp
“Đầu tư để phát triển” nói thì dễ nhưng không phải DN nào cũng thành công. Nhiều DN lao vào đầu tư với hy vọng sẽ “hóa rồng” nhưng rồi không phá sản thì cũng nhận quả đắng. IDICO ngay khi thành lập, năm 2000 đã chọn lĩnh vực “đầu tư phát triển KCN” cho hoạt động chính của mình. Lĩnh vực này lúc bấy giờ được coi là “cửa hẹp”, các DN lớn bỏ qua bởi năm 2000 nước ta vẫn ở giai đoạn đầu của thời kỳ mở cửa, các DN nước ngoài vẫn đang dè dặt đầu tư vào nước ta để thăm dò. Với IDICO, một DN nhỏ vừa thành lập, vốn thì mỏng mà thương hiệu thì chưa có lại chọn lĩnh vực này làm điểm “xuất phát” khiến nhiều lãnh đạo Bộ cũng như các DN đàn anh trong ngành ái ngại. Vậy nhưng Tổng giám đốc IDICO lúc bấy giờ là ông Bùi Phạm Khánh (nay là Thứ trưởng Bộ Xây dựng) chia sẻ: “Chúng tôi cũng trăn trở lắm bởi những viên gạch đầu tiên đặt làm nền móng nếu sai một li sẽ đi một dặm. Là một DN trong ngành, lại “sinh sau đẻ muộn”, nếu chọn những lĩnh vực mà các DN đàn anh đã và đang thành công như xây dựng, lắp máy, VLXD... thì làm sao chúng tôi có thể cạnh tranh với những thương hiệu sừng sững như Sông Đà, LILAMA, Viglacera, CC1, FiCO… được. Nói thế không phải chúng tôi cứ tìm đại một lĩnh vực khác biệt nào đó để làm ngành nghề chính của mình mà phải điều nghiên rất kỹ càng rồi mới quyết định chọn hướng đi sao cho vừa tránh được cạnh tranh với các đàn anh, vừa phải tạo được sự đột phá và sự khác biệt để xây dựng thương hiệu cho mình. Biết là sẽ khó khăn nhưng phải quyết tâm và phải cẩn trọng tiến bước…”. “Lách” qua cửa hẹp, IDICO đã chọn đầu tư phát triển KCN làm lĩnh vực xương sống cho mình bởi ở Bộ lúc bấy giờ chưa có DN nào làm, bản thân IDICO thì đã có sẵn nền tảng là Cty URBIZ với “vốn liếng” là KCN Tuy Hạ A và Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định giao cho URBIZ thành lập KCN Nhơn Trạch I vào năm 1997.
Nói về vị trí thì Nhơn Trạch nói chung và KCN Nhơn Trạch 1 nói riêng rất thuận lợi cho việc phát triển các KCN bởi nằm ở trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thuận lợi về vận chuyển đường bộ và đường thủy. Khoảng cách từ KCN Nhơn Trạch I tới TP.HCM nếu đi theo QL1 là 60km, đi theo đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là 24km, tới TP Biên Hoà là 40km, tới TP Vũng Tàu là 60km, cách cảng Sài Gòn 48km, cảng Vũng Tàu 60km, cảng Phú Mỹ 22km (đảm bảo cho tàu 72.000 tấn cập bến, bốc dỡ container và các thiết bị máy móc quá khổ, quá tải), cách cảng Gò Dầu 15km (đảm bảo cho tàu 15.000 tấn cập bến và bốc dỡ container, hàng hóa và các thiết bị máy móc). Tuy nhiên những năm 90 của thế kỷ trước, KCN Nhơn Trạch chỉ là vùng đất ngập mặn, sình lầy, hoang hóa, khô cằn, chẳng ai dòm ngó đến vùng “đất chết” này. Vậy nhưng IDICO, để mở hướng đi cho mình đã quyết định chọn Nhơn Trạch để phát triển KCN

Công trình thủy điện Đăk Mi 4
Trên tổng diện tích được phê duyệt 448,5ha, trong suốt nhiều năm, đội ngũ CBCNV IDICO đã miệt mài, cần mẫn đầu tư xây dựng hạ tầng để hình thành nên một KCN hoàn thiện đảm bảo tiêu chí xanh, sạch, đẹp nhằm thu hút, mời gọi các DN đến lập nghiệp và song hành phát triển. Đến nay thì KCN Nhơn Trạch 1 đã trở thành KCN kiểu mẫu của cả nước với hệ thống dịch vụ hạ tầng khép kín, hiện đại, đảm bảo cho các DN hoạt động thông suốt như: Trạm biến áp 110/22KV, công suất 103MVA được cấp điện từ 3 nguồn điện lưới quốc gia phục vụ riêng cho các nhà máy sản xuất trong KCN; hệ thống nước sạch được cấp từ nguồn nước ngầm, qua hệ thống xử lý của Nhà máy nước sạch với công suất 22.000m3 ngày đêm phục vụ riêng cho việc sản xuất và sinh hoạt của các nhà máy trong KCN; Hệ thống thông tin liên lạc đầy đủ đảm bảo liên lạc thông suốt trong nước và quốc tế; Hệ thống thoát nước mưa và thoát nước thải công nghiệp riêng biệt; Có nhà máy xử lý nước thải chung đảm bảo đón nhận nước thải công nghiệp từ hàng rào nhà máy… Nhờ vậy, đến nay KCN Nhơn Trạch 1 được đánh giá là 1 trong các KCN của tỉnh Đồng Nai đạt hiệu quả cao, tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp trên 80%. Đặc biệt, nhiều nhà đầu tư nước ngoài như: Hàn Quốc, Đài Loan, Thuỵ Sĩ, Malaysia, Pháp, Mỹ… đã chọn Nhơn Trạch 1 để đầu tư phát triển các nhà máy, điển hình là các Cty: Dệt Liên Minh Vina (Đài Loan), Bóng đèn Wooree Vina (Hàn Quốc), Xe đạp Dragon (Đài Loan), Giày Hwaseung (Hàn Quốc), Hoá chất Sika Việt Nam (Thuỵ Sĩ)...
Từ thành công trong việc đầu tư phát triển KCN Nhơn Trạch 1 đã khẳng định hướng đi mà IDICO chọn là đúng, từ đây tạo đà cho IDICO tự tin mở rộng lĩnh vực này ra các địa phương khác trong cả nước. Đến nay, IDICO đã có trong tay 17 dự án KCN với diện tích gần 10.000ha, tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng, thu hút trên 200 nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng nhà máy với tổng vốn đầu tư trên 6,5 tỷ USD, giải quyết việc làm cho hơn 100.000 lao động. Những KCN này đều nằm trên địa bàn các tỉnh kinh tế trọng điểm như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bình Thuận, Hà Nội, Thái Bình… Từ lĩnh vực này đã đưa thương hiệu IDICO bay xa đến bạn bè năm châu bốn bể, được các DN, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tín nhiệm.
Tổng giám đốc Nguyễn Văn Đạt khẳng định, đầu tư phát triển KCN đã giúp DN không chỉ phát triển ổn định mà còn giúp tăng được nguồn vốn, hỗ trợ cho những lĩnh vực khác phát triển. Đồng thời qua đó giúp IDICO tạo lập được mối quan hệ mật thiết với các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như đúc kết được những kinh nghiệm quý báu để phát triển thành công các dự án khác. Đây cũng là lĩnh vực tạo ra tài sản lớn cho TCty và đem lại nguồn thu tới hết đời dự án.
Mặc dù xác định đầu tư phát triển KCN là lĩnh vực xương sống nhưng ông Ninh Mạnh Hồng - Chủ tịch HĐTV IDICO cho biết: IDICO sẽ không đầu tư nóng mà phải đầu tư chiều sâu. Muốn vậy, trước khi quyết định đầu tư ở địa phương nào chúng tôi đều cân nhắc kỹ càng về vị trí, địa lý, địa hình, lợi thế. Nếu trước đây IDICO tập trung thu hút nhà đầu tư thì nay sẽ lựa chọn những DN có thực lực, có uy tín và không gây ô nhiễm môi trường vào các KCN của mình.
Việc triển khai các dự án KCN đã giúp IDICO nâng cao năng lực tài chính, kinh nghiệm, đặc biệt hình thành đội ngũ CBCNV năng động, sáng tạo, nhiệt huyết trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, có trình độ quản lý dự án đầu tư chuyên nghiệp, tổ chức khai thác vận hành các dự án sau đầu tư có hiệu quả, từ đó giúp IDICO đứng vững trên thị trường để rồi tiếp tục bừng sáng trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.
Toàn cảnh KCN Nhơn Trạch 5
Đầu tư thủy điện - khát vọng của những người muốn chinh phục thiên nhiên để vươn lên làm chủ
Nếu như đầu tư KCN là lĩnh vực mới thì thi công xây dựng thủy điện gần như là ngành truyền thống đối với các DN trong ngành Xây dựng. Trong khi đó, đội ngũ CBCNV IDICO đa phần đều xuất thân từ các DN trong ngành, đã từng nhiều năm lăn lộn trên các công trình thủy điện lớn nhỏ khắp cả nước, có kinh nghiệm khoét núi, đào hầm, xây đập ngăn nước. Vì vậy, dù rất thành công trong việc phát triển các KCN nhưng nỗi nhớ rừng, nhớ tiếng gầm gào của thác lũ, nhớ sự cực nhọc, vất vả, bụi ồn của công trường vẫn luôn thôi thúc trong trí óc và lồng ngực của mỗi người IDICO. Nguyên Tổng giám đốc Bùi Phạm Khánh đã có lần tâm sự, DN xây dựng mà không làm thủy điện thì thấy cứ thiếu thiếu. Do vậy, khi Chính phủ có chủ trương khuyến khích các thành phần tham gia xây dựng và mở rộng ngành nghề, lãnh đạo TCty như tìm thấy hướng đi mới cho sự phát triển của mình nên tham gia làm thủy điện ngay. Tổng giám đốc Nguyễn Văn Đạt chia sẻ: Đầu tư công trình thủy điện không chỉ là niềm đam mê, khát vọng của những người “nguyên là lính Sông Đà” tụ hội dưới mái nhà IDICO mà còn đồng nghĩa với việc tạo ra việc làm cho hàng ngàn công nhân, giải quyết hàng loạt thiết bị, máy móc của các đơn vị thành viên, nhất là các thiết bị ODA vốn rất ít sử dụng trong các công trình xây dựng vừa và nhỏ. Đặc biệt, thủy điện còn góp phần giải quyết đầu ra cho hàng loạt sản phẩm của các đơn vị thành viên IDICO bởi giá trị xây lắp trong một dự án thủy điện chiếm tới 80%, còn lại thiết bị chỉ chiếm 20%. Khi làm chủ được 80% khối lượng công việc, chúng tôi sẽ chủ động tiết kiệm được chi phí để đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho dự án, đồng thời cũng giúp chúng tôi tự tin mình sẽ thành công trong lĩnh vực này.
Dự án đầu tiên mà IDICO “trở về với nghề truyền thống” là Srok Phu Miêng. Dự án này nằm ở bậc thang thứ 3 trên dòng sông Bé, là dạng thủy điện đồng bằng, dễ thi công. Tháng 11/2003 dự án được khởi công với tổng mức đầu tư 1.048 tỷ đồng, công suất thiết kế 51MW. Vì là “đứa con” đầu lòng nên lãnh đạo IDICO đã lựa chọn thiết bị, nhà cung cấp rất kỹ lưỡng, dù chi phí có cao hơn. Vì thế hệ thống thiết bị của thủy điện Srok Phu Miêng được các chuyên gia đánh giá khá đồng bộ.
Ngày 22/10/2006 tổ máy số 1 của nhà máy thủy điện Srok Phu Miêng đã chính thức hòa lưới điện Quốc gia, vượt tiến độ đề ra gần 1 năm, tiết kiệm được gần 100 tỷ đồng, đánh dấu cột mốc quan trọng của IDICO trong lĩnh vực mới. Đến nay, Srok Phu Miêng đã cung cấp 1,2 triệu KWh điện mỗi năm, đem lại doanh thu bình quân 120 tỷ đ/năm. Công trường thủy điện Srok Phu Miêng được coi như là ngôi trường dạy nghề, là cái nôi đào tạo, rèn luyện ý chí, kiến thức về vận hành thủy điện cho cán bộ, công nhân IDICO để từ đó vươn lên làm chủ những công trình thủy điện tầm cỡ hơn như chuỗi thủy điện Đăk Mi nằm trên thượng nguồn sông Vu Gia, thuộc xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Sau hơn 4 năm thi công xây dựng, năm 2012 công trình thủy điện Đak Mi 4 đã hoàn thành và đưa vào vận hành cả 4 bậc thang với tổng công suất 223MW, tổng vốn đầu tư 4.547 tỷ đồng, cung cấp cho lưới điện quốc gia sản lượng điện bình quân hàng năm khoảng 833 triệu KWh.

Nếu đầu tư phát triển KCN tạo ra tài sản có nguồn thu ổn định thì đầu tư phát triển thủy điện lại tạo cho IDICO sự đột phá về lợi nhuận. Do đầu tư một cách bài bản và hiệu quả, lấy công làm lời nên cả hai nhà máy thủy điện là Srok Phu Miêng và Đăk Mi4 sau khi hoàn thành đều tìm được những cổ đông chiến lược có uy tín và tiềm lực, không những giúp DN thu hồi được vốn đầu tư mà còn đem lại lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, thủy điện Srok Phu Miêng, giá trị quyết toán là 988 tỷ, khi định giá CPH, giá trị DN là 1.358 tỷ, tăng 370 tỷ đồng; Thủy điện Đăk Mi 4 (a, b, c) tổng mức đầu tư trên 5.700 tỷ đồng, giá trị tài sản hình thành trên 6.118 tỷ đồng, với việc chuyển giao hơn hơn 70% cổ phần cho cổ đông, đem lại lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng.
Có sẵn vốn trong tay, IDICO tiếp tục đầu tư vào dự án thủy điện Đăk Mi 3, có công suất 63MW, tổng vốn đầu tư khoảng trên 1.600 tỷ đồng, dự kiến sẽ được vào vận hành và phát điện trong quý II/2017.
Những công trình thủy điện do IDICO làm chủ đầu tư, không chỉ cung cấp nguồn điện cho lưới điện quốc gia mà còn đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân địa phương, tạo công ăn việc làm cho người lao động tại chỗ, cải thiện đời sống người dân, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương, đặc biệt góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
BOT giao thông - kết nối để phát triển
Với tầm nhìn chiến lược, song song với việc đầu tư phát triển các KCN, các công trình thủy điện, bắt đầu từ năm 2001 IDICO chính thức trở thành “ông chủ” của những tuyến đường huyết mạch tại các vùng kinh tế trọng điểm như: BOT QL1A đoạn An Sương - An Lạc (TP.HCM), xây dựng và mở rộng QL51… Dự án BOT QL1A đoạn An Sương - An Lạc chính là bước đột phá trong xây dựng, thu phí và chuyển giao công nghệ với tổng mức đầu tư 812 tỷ đồng, đã đi vào hoạt động thu phí hiệu quả từ tháng 01/2005.
Từ thành công này, IDICO tiếp tục đầu tư vào dự án BOT QL2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên có tổng mức đầu tư 755 tỷ đồng, đã đi vào hoạt động và thu phí hiệu quả từ tháng 8/2008; Góp vốn thành lập Cty Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu để đầu tư dự án cải tạo mở rộng QL51 có chiều dài 72,7km theo hình thức BOT. Dự án này cũng đã hoàn thành và khai thác từ tháng 8/2012; Dự án đầu tư xây dựng các hạng mục bổ sung thuộc dự án cải tạo nâng cấp QL1A đoạn An Sương - An Lạc đã hoàn thành và thông xe cầu vượt tại giao lộ QL1A - Tỉnh lộ 10 ngày 30/8/2013; Dự án Đầu tư xây dựng bổ sung nút giao thông khác mức tại giao lộ QL1 - Hương lộ 2: Triển khai thi công đầu tư trong năm 2014 và hoàn thành trong năm 2015...
Ông Nguyễn Văn Đạt - Tổng giám đốc IDICO cho biết: Cùng với KCN và thủy điện thì giao thông là lĩnh vực giải quyết được công ăn việc làm cho CBCNV IDICO, góp phần giúp DN và người lao động đi qua giai đoạn khó khăn.
15 năm qua, 3 lĩnh vực: KCN, thủy điện và giao thông đã tạo thành “chiếc kiềng” vững chãi, không chỉ tạo dựng nên thương hiệu IDICO mà còn tạo ra tiềm lực để DN hoàn thiện chức năng, ngành nghề của mình là xây dựng những căn nhà, những khu đô thị đem lại sự an cư cho nhiều người như đúng tên gọi của mình: TCty đầu tư Phát triển Đô thị và KCN Việt Nam.
Thu Hà - Mai Thanh
Nguồn: http://www.baoxaydung.com.vn
|